Khi nhắc đến thời trang cao cấp, nhắc đến thương hiệu mang tính toàn cầu thì chắc hẳn Gucci là cái tên bạn không thể bỏ qua. Vậy điều gì đã giúp Gucci trở thành một tượng đài trong làng thời trang thế giới như vậy? Hãy cùng khám phá những câu chuyện thú vị xung quanh nhà mốt này.
Một thương hiệu thời trang Ý có cảm hứng ra đời từ nước Anh
Cho đến ngày nay, Gucci vẫn được xem là niềm tự hào của thời trang Ý khi nó đã khiến cả thế giới vào nhìn vào, trầm trồ và ngưỡng mộ. Nhưng ít ai biết được rằng, ý tưởng khởi đầu của Gucci lại được hình thành trên đất nước Anh, trong một khách sạn ở thủ đô London.
Guccio Gucci (1881 – 1953) được xem là người sáng lập ra Gucci. Ông sinh ra ở Florence của Italy. Những năm đầu thế kỉ 20, Guccio sang Anh và xin vào làm việc cho một khách sạn tại thủ đô London. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, Guccio đã gặp gỡ quan sát hàng nghìn lượt khách, những người thuộc giới thượng lưu, với phong cách ăn mặc sang trọng, những bộ quần áo đẳng cấp. Nhưng có một điều khiến ông chú ý đó là giường như những chiếc va li hay túi xách họ mang theo chưa thực sự xứng tầm. Ông mong muốn có một sự đẳng cấp hơn, tinh tế hơn từ những món đồ ấy. Và đây chính là lý do mà Gucci ra đời.
Sau nhiều năm làm việc tại Anh, khi đã 40 tuổi, Guccio Gucci quyết định quay trở về quê hương mình, vùng đất Florence của Italy. Tại đây ông bắt tay vào việc thực hiện ước mơ, dự định đã ấp ủ từ lâu, đó là làm ra những chiếc túi xách, va li tinh xảo.
Cũng rất may mắn với Guccio khi Tuscany được xem là vùng đất của những nghệ nhân và đồ da. Ông có một nguồn nguyên liệu dồi dào, với những người thợ thủ công điêu luyện, điều này đã giúp ông cho ra đời những chiếc túi, vali hoàn mĩ. Cửa hàng của ông nhanh chóng được nhiều người biết đến, trong đó đa phần là giới nhà giàu, những người sẵn sàng chi tiền để có được một chiếc túi đựng đồ được làm tỉ mẩn và chắc chắn.
Ở nước Ý nói riêng và cả châu Âu nói chung thời bấy giờ có một phong trào của giới quý tộc đó là thú vui cưỡi ngựa. Nó trở thành môn thể thao mà mọi nhà, mọi người đều biết, đều tham gia. Guccio đã nhanh chóng nắm lấy thời cơ, bắt tay vào việc sản xuất ra những phụ kiện dành riêng cho hoạt động cưỡi ngựa như yên ngựa, thời trang cưỡi ngựa,…
Mặc dù trước ông đã có rất nhiều hãng sản xuất lớn với những bộ trang phục cưỡi ngựa đẹp mắt, nhưng với tiêu chí “”vừa tiện vừa sang’’ Guccio đã cho ra mắt những bộ quần áo và phụ kiện rất dễ dùng mà lại thể hiện được đẳng cấp của người mặc, đó là những bộ trang phục mang tông màu nâu giản dị nhưng làm bằng chất liệu da cao cấp. Dần dần, những món phụ kiện thời trang phục vụ cho bộ môn thể thao cưỡi ngựa của Guccio được giới quý tộc ưa chuộng, yêu thích và nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Một lần nữa, Guccio đi đầu trong việc phân tích nhu cầu của khách hàng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bằng óc quan sát tinh tế, ông nhận ra rằng khách hàng của ông – giới quý tộc những người thuộc tầng lớp thượng lưu luôn có một phong cách thời trang khác biệt, giúp họ thể hiện được đẳng cấp và địa vị. Điều đó được thể hiện bằng cách họ luôn muốn sử dụng trang phục và phụ kiện của cùng một nhà mốt, cùng một logo , có sự thống nhất về phong cách thiết kế, màu sắc,… Bởi vậy, ông quyết định mở rộng sản xuất sang những sản phẩm kết hợp như yên ngựa, dây cương, cho tới khăn quàng cổ, giày, túi xách, mũ,… Từ đó, Gucci trở thành hãng thời trang đầu tiên đáp ứng nhu cầu đồng bộ đó của khách hàng.
Thương hiệu thời trang luôn vững vàng trước thách thức
Với quan điểm muốn bán được hàng với giá cao thì sản phẩm phải có chất lượng tốt và thiết kế đẹp, Gucci luôn yêu cầu những người thợ thủ công của mình phải thật cẩn trọng và sáng tạo trong từng sản phẩm. Vì thế, sản phẩm của ông luôn được người dùng đánh giá cao.
Sau khi cửa hàng đầu tiên mang tên Gucci ra đời vào năm 1906, đến năm 1938, Guccio mở cửa hàng thứ hai tại Rome, rồi cửa hiệu thứ ba tiếp tục ra đời tại Milan năm 1951 và sự kiện đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Gucci là vào năm 1953, khi nhãn hiệu thời trang nước Ý này lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ với cửa hàng đầu tiên được mở tại New York.
Nhưng đây cũng là giai đoạn mà Gucci gặp nhiều khó khăn thử thách nhất.
Đó là thời kỳ xảy ra chiến tranh thế giới thứ II, khi mà nước Ý bị cấm vận thương mại dẫn đến các hoạt động buôn bán gặp khó khăn. Với Gucci, vấn đề nguy cấp của hãng xảy đến khi nguồn nguyên liệu da bị thiếu thốn. Tình hình thực tại yêu cầu những người thợ sáng tạo của Gucci phải tìm kiếm một loại nguyên liệu thay thế.
Guccio Gucci đã thử nghiệm với nhiều loại vải dệt khác nhau và sử dụng các loại vải khác nhau trong thành phần sản phẩm của mình như đay, lanh, gỗ, liễu gai và raffia.
Động thái này đã dẫn đến những sáng tạo khéo léo như bản in chữ ký đầu tiên của công ty: những viên kim cương nhỏ được liên kết màu nâu được dệt phức tạp thành một loại vải sợi gai dầu tan – ngày nay được gọi là vải Diamante . Loại vải này đã được sử dụng để tạo ra bộ sưu tập hành lý toàn diện đầu tiên của Gucci.
Bên cạnh việc chế tạo ra một loại vải mới thì Gucci còn khiến đông đảo tín đồ yêu thích thời trang phải ngạc nhiên khi cho ra đời một chiếc túi xách với quai tre được uốn cong mềm mại (năm 1947). Các nghệ nhân của Gucci với sự sáng tạo không giới hạn đã sử dụng những thanh tre được vận chuyển từ Nhật Bản, bằng công nghệ chế tác đã uống cong chúng mà vẫn giữ nguyên được cấu trúc ban đầu. Ý tưởng này ngay lập tức đã được cấp bằng sáng chế và trở thành tâm điểm của mọi tín đồ thời trang. Hàng loạt chiếc túi với quai tre mang nhãn hiệu Gucci được sản xuất và mau chóng được tiêu thụ. Đặc biệt là với tầng lớp thượng lưu, những thương nhân giàu có, giới minh tinh điện ảnh, những người nổi tiếng, thậm chí là cả các chính trị gia đều sở hữu chiếc túi quai tre nổi tiếng của nhà Gucci.
Nhưng vào năm 1953, cũng chính là năm mà Guccio Gucci người sáng lập ra hãng qua đời. Sản nghiệp nhà Gucci được 4 người con trai của ông kế nghiệp. Và thật may thay, với sự điều hành quản lý của họ, Gucci tiếp tục mở rộng và phát triển hơn nữa.
Logo của thương hiệu Gucci với hai chữ G lồng vào nhau được chính con trai của ông là Aldo Gucci sáng lập lấy ý tưởng từ 2 chữ cái đầu trong tên của Guccio Gucci, nhằm thể hiện sự biết ơn, trân quý và mãi mãi đi theo lý tưởng của ông.
Giai đoạn 1960, thương hiệu thời trang Gucci “gây sốt” với hàng loạt bộ sưu tập thời trang cao cấp nối tiếp nhau ra đời. Những bộ trang phụ hay món phụ kiện thời trang của Gucci được các ngôi sao điện ảnh hay minh tinh màn bạc cùng những người nổi tiếng trên toàn thế giới đặc biệt là nước Mỹ yêu thích. Khi ấy, nhắc đến Gucci là người ta sẽ nghĩ đến “chic”, nghĩa là sang trọng và lịch sự.
Giai đoạn sau khi người kế nghiệp Gucci là Maurizio – cháu nội của Guccio Gucci lên quản lý thì hãng gặp nhiều biến cố. Sau nhiều lần khủng hoảng, Maurizio phải bán lại toàn bộ sản nghiệp gia đình cho tập đoàn Investcorp. Hiện nay, nhãn hiệu Gucci thuộc về tập đoàn Kering của Pháp – một “đế chế” đồ hiệu do tỷ phú Francois Pinault sáng lập.
Tom Ford và kỷ nguyên mới của Gucci
Năm 1990, Gucci chiêu mộ nhà thiết kế tài hoa Tom Ford và chỉ sau 3 năm làm việc, ông trở thành giám đốc sáng tạo của hãng. Có thể nói Tom Ford đã thổi một luồng khí mới vào Gucci, giúp thương hiệu này có sự thay đổi ngoạn mục, từng bước trở lại với ánh hào quang và trở thành một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới.
Bằng những thiết kế táo bạo, những buổi trình diễn thời trang có phần tai tiếng nhưng điều duy nhất còn lại với giới điệu mộ đó là đẳng cấp mà Gucci khẳng định.
Sau hơn một thập kỷ gắn bó và sáng tạo đưa Gucci lên một đẳng cấp mới, vào năm 2006, Tom Ford rời khỏi vị trí Giám đốc sáng tạo. Frida Giannini. – một nhà thiết kế phụ kiện thời trang được chọn là người thay thế ông ngồi vào vị trí đó. Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, vị trí Giám đốc sáng tạo của Gucci được đảm nhiệm bởi nhà thiết kế Alessandro Michele.
Với một thế kỷ gây dựng và phát triển, với những thăng trầm và biến động, nhưng đến nay, Gucci vẫn đứng vững và trở thành một trong những biểu tượng thời trang đẳng cấp toàn cầu. Và mỗi lần nghĩ đến Gucci, người ta sẽ nghĩ ngay đến sự xa xỉ, với hai chữ G lồng nhau, với dải ruy băng màu xanh lá và đỏ được lấy cảm hứng từ đai yên ngựa.