Nhắc đến Dior là bạn sẽ nghĩ ngay đến một thương hiệu thời trang cao cấp với những sản phẩm xa xỉ dành cho giới thượng lưu và những người giàu có, nổi tiếng. Nhưng để có được vị thế dẫn đầu như ngày hôm nay thì Dior cũng đã phải trải qua một lịch sử đầy những biến động và sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Năm 1946, Dior ra đời bởi nhà thiết kế Christian Dior tại số 30 Đại lộ Montaigne, Paris, Pháp. Christian Dior vốn là một người rất yêu nghệ thuật, ông còn sở hữu một phòng trưng bày nghệ thuật riêng trước khi bước sang lĩnh vực thời trang. Sau cuộc Đại suy thoái, ông bắt buộc phải đóng cửa phòng trưng bày và về làm việc với Robert Piguet – một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thời bấy giờ. Và cũng chính thời gian này ông đã ấp ủ cho sự ra đời của một nhãn hiệu mang tên mình.
Mặc dù xuất hiện vào năm 1946, nhưng Dior lại lấy năm 1947 làm dấu mốc cho sự hình thành của hãng, vì chính trong năm này Dior cho ra mắt bộ sưu tập thời trang đầu tiên vào 12 tháng 2 năm 1947.
Dior và “Diện mạo mới”
Trong buổi trình diễn thời trang đầu tiên, Dior đã mang đến “Diện mạo mới”, như một sự cách tân về thời trang và ý thức hệ. Ý tưởng này bắt nguồn từ cột mốc kết thúc thế chiến II, nó điển hình bằng những chiếc váy áo với phần eo chít lại và độ dài thì ngắn hơn. Những thiết kế mang tính cách mạng này nhanh chóng trở thành tâm điểm của thời trang đương thời và được săn đón ở mọi nơi. Đặc biệt với sự lăng xê nhiệt tình của giới minh tinh, diễn viên điện ảnh đã giúp Dior trở thành một trong những biểu tượng của điện ảnh.
Dior Goes Global
Chỉ 1 năm sau khi ra đời, năm 1948 Dior chính thức đặt chân lên đất Mỹ bằng một cửa hàng trên đại lộ số 5 , phố 57 ở thành phố New York. Và không chỉ dừng lại ở quần áo, Dior muốn có một bộ sưu tập lớn hơn, toàn diện hơn, đó là lý do mà hãng bắt đầu lấn sang các sản phẩm như nước hoa, phụ kiện thời trang. Để những người phụ nữ xinh đẹp của Dior có thể hoàn toàn sở hữu một diện mạo mới từ đầu đến chân.
Sự ra đi của Christian Dior và những tài năng nối tiếp
Năm 1957 Christian Dior qua đời sau một cơn đau tim. Thế giới thời trang đều cảm thấy bàng hoàng và tiếc thương cho một biểu tượng. Và Saint Laurent đã được tín nhiệm trao trọng trách giám đốc nghệ thuật của hãng. Một chàng trai trẻ, kế thừa di sản đồ sộ của Dior hẳn là một thách thức không hề đơn giản. Saint Laurent quyết định vẫn đi theo phong cách ban đầu của Dior, nhưng có một chút cải tiến để các thiết kế trở nên mềm mại hơn. Với một số thành công và có cả những thất bại, Saint Laurent không để lại quá nhiều ấn tượng với nhà mốt này, và năm 1960 khi ông được gọi vào nhập ngũ cũng là lúc kết thúc hành trình tại Dior.
Marc Bohan và hành trình ấn tượng tại Dior
Được chọn làm người thay thế Saint Laurent đảm nhận vị trí chủ chốt của Dior, Marc Bohan trở thành giám đốc sáng tạo với rất nhiều kỳ vọng. So với các thiết kế ban đầu của Dior, Bohan không có quá nhiều thay đổi. Nhưng bằng tài năng và tâm huyết của một nhà thiết kế tài năng, Bohan đã giúp Dior một lần nữa trở lại đỉnh vinh quang, trở thành thương hiệu được yêu thích nhất trên toàn thế giới.
Mặc dù chỉ gắn bó hơn một thập kỷ, nhưng thời đại của Bohan ở Dior được xem là thành công vang dội. Thương hiệu không chỉ dừng lại ở thời trang trưởng thành mà còn có cả những bộ sưu tập dành cho trẻ em. Cách làm truyền thông của Bohan đã đưa Dior đến gần hơn với mọi người.
Sau thương vụ mua bán LVMH, Bohan không còn đồng hành cùng Dior. Thương hiệu cũng có những giám đốc sáng tạo mới như Gianfranco Ferre, Hedi Slimane, John Galliano, Raf Simons, Maria Grazia Chiuri và gần đây nhất là Kim Jones. Mỗi người đều có một phong cách riêng, cá tính riêng và cách chèo lái riêng. Nhưng điểm chung ở họ đều là những con người tài năng, những bộ óc sáng tạo không giới hạn và đó là lý do giúp Dior không ngừng lớn mạnh, luôn là một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.